Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 10 năm 2020 | 14:19

Tin ĐBSCL: Trình Thủ tướng xây hồ trữ nước ngọt rộng hơn 3.000 ha

Theo UBND tỉnh An Giang việc xây dựng dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn là rất cần thiết, khi xây dựng hồ có diện tích 3.050ha, phục vụ tưới 30.000ha đất nông nghiệp.

hồ-chứa-nước-ngọt-ở-vùng-cao-tại-huyện-tri-tôn-phục-vụ-nước-tưới-nông-nghiệp-trong-mùa-khô-đang-hoạt-động-hiệu-quả-baocantho.jpg
 Hồ chứa nước ngọt ở vùng cao tại huyện Tri Tôn phục vụ nước tưới nông nghiệp trong mùa khô đang hoạt động hiệu quả, (ảnh:baocantho).

 

Vụ lúa thu đông năm 2020, tỉnh An Giang sản xuất gần 180.000ha, trong đó có 421 tiểu vùng có đê bao triệt để với diện tích khoảng 194.000ha. Năm nay lũ về muộn, nhưng An Giang vẫn đưa ra kịch bản nước lũ ở mức báo động 2, để các địa phương sẵn sàng ứng phó và thích nghi nhằm đảm bảo vụ lúa thắng lợi.

Vụ lúa thu đông được đánh giá là thuận lợi, tuy nhiên tới đây vụ đông xuân, hè thu sắp tới ở An Giang là mùa cạn, nguy cơ hạn mặn và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Trước thực trạng này, An Giang đang triển khai xây dựng từng khu trữ nước ngọt khác nhau trong giai đoạn 10 năm sắp tới.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, những năm gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt mùa lũ ở ĐBSCL không còn xuất hiện theo quy luật tự nhiên. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của con người, hiện UBND tỉnh An Giang đang trình Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho ý kiến về dự án xây dựng hồ trữ nước ngọt và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn là một phần trong kế hoạch đó.

Theo ông Thư, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc hạ lưu sông Mekong, khi lũ về thì nước dâng cao, ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Ngược lại đến mùa khô, nhiều vùng lại bị thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, thậm chí ảnh hưởng đến sinh kế người dân. Do vậy, việc xây dựng hồ trữ ngọt tự nhiên cho vùng Tứ giác Long Xuyên là rất cần thiết nhằm điều tiết lũ, cung cấp nước cho vùng cũng như khu vực ĐBSCL.

Theo thiết kế ban đầu, dự án hồ trữ lũ và cấp nước ngọt Trà Sư - Tri Tôn có tổng diện tích 3.050ha, tổng chiều dài bờ bao 37,4km, phục vụ tưới 30.000ha đất nông nghiệp. Với cao độ mặt đất khu vực dự án trung bình 1,26m, để hạ thấp cao độ xuống thành 0m, cần nạo vét hơn 137 triệu mét khối đất. Hồ chứa dự kiến có 6 cửa vận hành, sử dụng máy bơm và cửa cống thay thế cho các đập cao su.

Đây là công trình thủy lợi nằm trong hệ thống thủy lợi của vùng, được quản lý bởi Hội đồng Quản lý thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Phó Chủ tịch Hội đồng, gồm: Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ, nên công tác quản lý, vận hành cần phải được thống nhất. Về mặt thể chế, dự án phù hợp với quy hoạch, phát triển của các địa phương trong vùng Tứ giác Long Xuyên.

Cần Thơ: Xây kè chống sạt lở bờ sông Trà Nóc

Mới đây, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cùng các sở, ngành, UBND quận Bình Thủy kiểm tra điểm sạt lở bờ sông Trà Nóc trước cửa UBND phường Thới An Đông (khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) để có hướng tháo gỡ.

Theo phường Thới An Đông, điểm sạt lở trước UBND phường xuất hiện vào năm 2019 với chiều dài 140 m và thời gian gần đây tiếp tục lan rộng thêm hơn 30 m. Đây là điểm sạt lở lớn, đe dọa tới tuyến đường giao thông trước cửa UBND phường và 2 căn nhà nằm ven sông Trà Nóc.

 

lãnh-đạo-ubnd-thành-phố-cần-thơ-kiểm-tra-công-trình-kè-chống-sạt-lở-sông-trà-nóc-đoạn-qua-khu-vực-thới-thuận-phường-thới-an-đông-quận-bình-thủy.jpg
 Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ kiểm tra công trình kè chống sạt lở sông Trà Nóc, đoạn qua khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, (ảnh TTXVN).

 

Trong thời gian chờ thi công bờ kè, UBND phường đã đề nghị quận và thành phố hỗ trợ kinh phí để người dân sinh sống trong 2 ngôi nhà trên thuê chỗ ở tạm cho đến khi công trình kè hoàn thành.

Về nguyên nhân gây sạt lở, bước đầu xác định do nằm ngay ngã ba tiếp giáp giữa sông Trà Nóc và rạch Thới Ninh có dòng chảy phức tạp, nước xoáy. Cùng đó, tuyến sông này thường xuyên có tàu thuyền trọng tải lớn ra vào, sóng tạo ra từ các phương tiện này cũng khiến việc sạt lở trầm trọng hơn.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, tình hình sạt lở bờ sông tại đoạn ngã ba tiếp giáp giữa sông Trà Nóc và rạch Thới Ninh thời gian qua diễn biến rất phức tạp.

Việc sạt lở diễn ra nhanh, gây lún và dạt ra phía ngoài sông. Đặc biệt, qua khảo sát thì nền đất ở khu vực này yếu hơn so với các nơi khác nên khi thi công bờ kè phải tăng cả chiều dài và kích thước cọc bê tông để đảm bảo tính ổn định của công trình.

Theo ông Ninh, khi sạt lở xảy ra vào năm 2019, đơn vị đã tham mưu cho UBND thành phố hỗ trợ kinh phí để di dời các hộ dân ở đây ra khỏi khu vực nguy hiểm và đề xuất xây dựng tuyến kè chống sạt lở dài 140 m với kinh phí hơn 14 tỷ đồng.

Hiện công trình đã hoàn thành được trên 55%, dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2021. Đối với đoạn sạt lở mới phát sinh dài khoảng 30 m trước cửa UBND phườngChi cục đã đề xuất với UBND thành phố tiếp tục làm bờ kè để bảo vệ an toàn cho khu vực này.

Sau quá trình khảo sát, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thống nhất chủ trương xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực mới phát sinh trên. Công trình xây dựng kiên cố và được đấu nối vào dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Trà Nóc đang được triển khai.

Ông Dũng giao Chi cục Thủy lợi thực hiện các thủ tục để trình UBND thành phố phê duyệt. Đối với công trình xây dựng bờ kè sông Trà Nóc, Chi cục Thủy lợi thành phố phối hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Cùng với đó, hỗ trợ đơn vị thi công tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng. Đặc biệt, đơn vị thi công cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng đoạn kè qua gầm cầu Trà Nóc 2 hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 để người dân đi lại được thuận tiện hơn…

Cà Mau: Hơn 1.400 ha lúa đổ ngã, đê biển bị uy hiếp do mưa lớn

Mưa lớn kèm thời tiết cực đoan đã gây nhiều thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hơn 1.400 ha lúa hè thu chuẩn bị thu hoạch đã bị đổ ngã. Ngoài diện tích lúa bị đổ ngã, đê biển Tây tiếp tục bị uy hiếp do sạt lở. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cà Mau, thiệt hại tập trung chủ yếu ở huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời.

Đặc biệt, nhiều đoạn đê biển Cà Mau trước đó đã bị sạt lở thì nay lại tiếp tục bị đe dọa; xuất hiện thêm khoảng 300 m bị sóng đánh sạt lở hết rừng phòng hộ bên ngoài. Thời tiết cực đoan những ngày qua cũng đã làm sập 1 căn và tốc mái 2 căn nhà của người dân Cà Mau. Thủy triều dâng cao cũng đã làm hơn 1.200 ha bờ vuông tôm bị tràn, gây thiệt hại nặng cho người nuôi trồng trồng thủy sản.

 

mưa-lớn-kèm-theo-dông-lốc-đã-làm-đổ-ngã-gần-700-ha-lúa-tại-hậu-giang.jpg
Mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm đổ ngã gần 700 ha lúa tại Hậu Giang, (ảnh: VOV).

 

Trong khi đó, theo ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang những ngày qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn, kèm theo dông lốc gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, cây trồng, nhất là diện tích lúa Thu Đông chín, chuẩn bị thu hoạch.

Hiện, tỉnh Hậu Giang đã xuống giống được hơn 40.000 ha lúa thu đông. Mưa lớn kèm theo dông lốc những ngày qua đã làm đổ ngã gần 700 ha lúa, với tỷ lệ đổ ngã từ 5-40%, ước giảm năng suất từ 50-150kg/công. Trong đó, các địa phương có diện tích lúa bị đổ ngã nhiều là huyện Vị Thủy gần 250ha, huyện Châu Thành A gần 200 ha.

Mưa lớn kèm theo dông lốc cũng đã làm đổ ngã một số diện tích mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp. Riêng thành phố Vị Thanh, ngoài diện tích lúa đổ ngã, còn có gần 150 ha khóm bị ngập. Hiện nông dân đang khẩn trương bơm rút nước trên đồng lúa, rẫy khóm để hạn chế thiệt hại. Đối với các trà lúa bước vào giai đoạn thu hoạch thì tranh thủ cắt sớm để giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão gây ra.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top