Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 5 năm 2020 | 16:45

Tin NN ĐBSH: Chăn nuôi an toàn không lo dịch bệnh

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm… mà chưa có vắc xin phòng bệnh hữu hiệu khiến không ít hộ chăn nuôi lao đao.

dbsh.jpg
Nhờ xây dựng chuồng nuôi khép kín, trang trại của chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Tam Tảo, Phú Lâm không bị thiệt hại do dịch Tả lợn châu Phi.

 

Bắc Ninh: Chăn nuôi an toàn không lo dịch bệnh

Với tổng đàn gia súc gia cầm rất lớn, huyện Tiên Du đang đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học để bảo toàn đàn vật nuôi và gia tăng giá trị kinh tế cho các trang trại trên địa bàn.

Vốn tốt nghiệp ngành chăn nuôi - thú y, Đại học Nông lâm Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Tam Tảo (Phú Lâm) quyết định đầu tư xây dựng khu chăn nuôi chuồng kín ngay khi mới trở về quê lập nghiệp.

Chị chia sẻ: “Khi mới ra trường, dù không có nhiều vốn để xây dựng, nhưng với kiến thức đã học, chúng tôi nhận thấy, nếu đầu tư chuồng trại quy củ ngay từ đầu để hạn chế dịch bệnh thì người nuôi sẽ ít rủi ro hơn”.

Nghĩ là làm, chị vay mượn gần 600 triệu đồng của gia đình để xây khu chuồng 400 m2 với hệ thống thông gió, giàn mát, quây khung sắt để nuôi lợn sinh sản. Ngoài ra, chị cũng xây dựng 30m3 bể biogas vừa vệ sinh chuồng nuôi, vừa tận dụng nguồn khí gas đốt. Nhờ chuồng xây khoa học, lại định kỳ phun sát trùng vật dụng nên trang trại của chị kiểm soát được hầu hết các tác nhân gây bệnh: người ra vào, côn trùng, xe vận chuyển gia súc... cùng với việc được tiêm phòng đầy đủ, nhiệt độ chuồng nuôi ổn định nên đàn lợn có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh.

Đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, đàn 40 con nái của trang trại chị Nhung được bảo vệ an toàn. Hiện nay, do nhu cầu lợn giống cao, trang trại đang tập trung chuẩn bị tái đàn bằng cách xử lý rỗ chuồng, khử trùng bằng vôi, hạn chế người ra vào…

Theo ông Nguyễn Vọng Vương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, hiện nay tổng đàn nuôi của Tiên Du có khoảng hơn 1,2 triệu con gà, 94.000 con lợn, tập trung chủ yếu ở các trang trại của Tập đoàn Dabaco với quy trình chăn nuôi chặt chẽ giúp kiểm soát hầu hết dịch bệnh. Ngoài ra, chăn nuôi trong dân cư cũng đang được khuyến khích triển khai theo hướng an toàn bao gồm chăn nuôi chuồng kín, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng, tiêm phòng định kỳ… để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng chăn nuôi an toàn còn gặp khó khăn do chi phí xây dựng chuồng nuôi ban đầu khá lớn, quy trình nuôi đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt nên một số hộ nuôi chưa kiên trì thực hiện. Hơn nữa, dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi giá cả thị trường bấp bênh khiến người nuôi ngại đầu tư, tái đàn...

Thời gian tới, với mục tiêu phát triển chăn nuôi đáp ứng nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường, ngành Nông nghiệp huyện Tiên Du tiếp tục khuyến khích các gia trại, trang trại trong khu dân cư chăn nuôi theo hướng an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi đến từng hộ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực phòng dịch, lập cam kết với các hộ nuôi, giết mổ tiêm phòng vắc xin đúng lịch; không buôn bán gia súc, gia cầm ốm chết để ngăn nguy cơ lây lan dịch ra diện rộng… Từ đó, hạn chế tối đa nỗi lo dịch bệnh, giảm rủi ro cho người chăn nuôi.

Nam Định: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tái đàn lợn an toàn

Đến thời điểm này, tại tỉnh Nam Định hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, UBND tỉnh đã công bố hết dịch ở tất cả các huyện, thành phố. Trên thị trường thịt lợn khan hiếm và giá vẫn cao nhưng nhiều hộ chăn nuôi và chủ các trang trại, gia trại trong tỉnh vẫn dè dặt tái đàn do còn nhiều khó khăn.

 

lo.jpg
Thực hiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thục ở xóm 5, xã Trực Thái (Trực Ninh).

 

Là một trong những hộ có nguồn thu nhập khá ổn định từ nuôi lợn nhưng từ tháng 4-2019, toàn bộ đàn lợn gần 50 con lợn nái và lợn thịt trị giá trên 100 triệu đồng của gia đình anh Phạm Văn Công, thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy. Hơn 1 năm qua anh vẫn để trống chuồng, chưa dám tái đàn.

Anh Công cho biết: Trước đây, chuồng nuôi lợn của gia đình anh không khép kín, công tác vệ sinh, tiêu độc khu vực chuồng nuôi ít được chú trọng nên khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã không thể tránh được thiệt hại. Xác định vẫn tiếp tục phát triển kinh tế gia đình bằng nuôi lợn nên ngay sau khi được tỉnh, huyện hỗ trợ thiệt hại hơn 40 triệu đồng, anh Công đã dùng số tiền này để đầu tư xây sửa lại chuồng nuôi theo hình thức khép kín, đủ điều kiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời vệ sinh, tổ chức tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường triệt để toàn bộ khu vực chuồng trại, chờ thời tiết thuận lợi, ổn định để nhập con giống về nuôi.

Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là đàn lợn nái cung cấp con giống của gia đình đã bị tiêu hủy do dịch bệnh nên không tự lo được con giống để tái đàn, ngoài thị trường giá con giống đắt gấp 3-4 lần so với trước, trong khi nguồn vốn thì đã cạn. Mặc dù thời điểm này, giá thịt lợn trên thị trường đang cao do nguồn cung bị hạn chế, người chăn nuôi rất nóng lòng tái đàn để bù đắp lại nguồn thu nhưng lại gặp khó khăn về nguồn con giống, vốn, kỹ thuật cũng như tâm lý lo lắng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn.

Đây cũng là tình trạng chung của các trang trại, gia trại, người chăn nuôi lợn trong tỉnh. Chủ yếu các trang trại, gia trại đủ điều kiện chăn nuôi an toàn mới tái đàn với số lượng vừa phải, còn các hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa dám tái đàn mà chuyển sang chăn nuôi trâu, bò, gia cầm... để duy trì nguồn thu. Mong muốn chung của người chăn nuôi lúc này là sớm nhận được khoản kinh phí hỗ trợ thiệt hại còn lại và được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để có vốn khôi phục hoạt động sản xuất; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo an toàn, phòng ngừa rủi ro dịch bệnh.

Trước khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, tổng đàn lợn toàn tỉnh luôn duy trì khoảng trên 906 nghìn con, nhưng do ảnh hưởng của bệnh dịch nên tháng 1-2020, tổng đàn chỉ còn trên 711 nghìn con, giảm 21,6% so với cuối năm 2018.

Năm 2020, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh phấn đấu tăng từ 3-3,5% so với năm 2019; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 45% giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp. Do đó, trong năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo ngành NN và PTNT và các địa phương tập trung triển khai các biện pháp từng bước khôi phục đàn lợn để đạt số lượng tổng đàn 680 nghìn con với sản lượng thịt lợn 145 nghìn tấn. Mặc dù trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trại lợn an toàn, song đàn lợn nái bị dịch khá nhiều, số lượng phải tiêu hủy lớn nên tại chỗ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu lợn giống tái đàn của các hộ chăn nuôi. Yêu cầu về số lượng, chất lượng con giống cho phát triển đàn lợn theo mục tiêu đề ra khá cao để bảo đảm an toàn khi tái đàn, không bị bệnh dịch, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.

Mặt khác, mặc dù áp lực dịch bệnh đã giảm song mầm bệnh còn tồn tại ngoài môi trường, khó kiểm soát; bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị. Do vậy UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng khuyến cáo, để việc tái đàn lợn hiệu quả và bền vững, người chăn nuôi cần mua con giống ở những cơ sở uy tín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng; lợn vận chuyển từ các tỉnh ngoài về phải có giấy chứng nhận kiểm dịch, kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe của lợn; để trống chuồng và thực hiện nghiêm ngặt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ít nhất 30 ngày trước khi nhập lợn giống vào nuôi; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu chăn nuôi. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã có văn bản hướng dẫn người chăn nuôi chọn mua lợn giống tại 13 doanh nghiệp, đơn vị ngoài tỉnh chuyên sản xuất, cung ứng giống lợn khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh được các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng khuyến cáo người nuôi không chạy theo số lượng mà tập trung tái đàn thận trọng bảo đảm an toàn, việc tái đàn lần đầu số lượng chỉ khoảng 10% năng lực nuôi tại cơ sở; sau khi nuôi được 30 ngày tiến hành lấy mẫu xét nghiệm; nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi mới tiếp tục tăng quy mô tái đàn. Triệt để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi.

Môi trường chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn, sử dụng thức ăn bảo đảm dinh dưỡng và bổ sung các chất tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Thực hiện nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn theo quy định. Người chăn nuôi phải có đơn đăng ký về thời gian, số lượng, đối tượng lợn nuôi tại cơ sở và cam kết thực hiện các biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học với chính quyền địa phương. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra thực tế, nếu cơ sở chăn nuôi có đủ các tiêu chí cơ bản để bảo đảm thực hiện biện pháp an toàn sinh học mới ký xác nhận cho nuôi tái đàn; việc nuôi tái đàn phải được giám sát, theo dõi, quản lý bởi hệ thống thú y các cấp theo phân cấp quản lý.

Ninh Bình: Tập trung khống chế các ổ dịch cúm gia cầm

Gần đây, một số ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus cúm A/H5N6 đã xuất hiện ở các xã Yên Đồng (huyện Yên Mô), Phú Sơn (huyện Nho Quan)... khiến cho hàng nghìn con gia cầm chết, phải tiêu hủy. Trong khi đó, hiện nay, mật độ chăn nuôi đang ở mức cao, diễn biến thời tiết có nhiều yếu tố cực đoan, lượng gia cầm lưu thông lớn, thói quen buôn bán, giết mổ theo kiểu truyền thống... đang là những yếu tố dịch tễ khiến dịch rất dễ lây lan trên diện rộng.

 

cum-gca.jpg
Chăn nuôi vịt tại huyện Nho Quan. Ảnh: Anh Tuấn

 

Cuối tháng 4, đàn gà hơn 2 nghìn con của gia đình ông Bùi Trung Dũng (thôn 2, xã Phú Sơn) có hiện tượng ốm, đến ngày 4/5 thì bắt đầu chết nhiều với những biểu hiện của bệnh cúm gia cầm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền xã tiến hành lập biên bản, tổ chức tiêu hủy toàn bộ số gà và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm xác định nguyên nhân. Kết quả, mẫu bệnh phẩm đã dương tính bệnh cúm A/H5N6.

Vì thế, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền các địa phương nơi có dịch đã phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn khẩn trương triển khai các biện pháp đồng bộ để khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Theo đó, thực hiện thu gom toàn bộ gia cầm chết và những con còn sót lại đưa đi tiêu hủy xa khu dân cư.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 100 lít hóa chất và 12 tấn vôi bột cho xã Yên Đồng (huyện Yên Mô), 20 lít hóa chất và 5 tạ vôi bột cho xã Phú Sơn (huyện Nho Quan) để các địa phương này vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chuồng nuôi của các hộ.

Tiến hành điều tra, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc, rà soát tổ chức tiêm phòng bổ sung cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn xã Yên Đồng, xã Phú Sơn để bao vây, khống chế ổ dịch. Tổ chức cho các hộ nuôi gia cầm ký cam kết trong chăn nuôi; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

 Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, huyện Nho Quan chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục mở rộng điều tra phát hiện dịch bệnh kịp thời trên đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi và triển khai thống kê lại toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn.

Ngoài ra, 190.000 liều vắc xin cúm gia cầm cũng đã được cấp cho 2 huyện Yên Mô và Nho Quan để tổ chức tiêm phòng bổ sung và bao vây ổ dịch cho các đàn gia cầm trên địa bàn xã Yên Đồng, xã Phú Sơn và các khu vực lân cận 2 xã này. Đến hết ngày 6/5/2020, huyện Yên Mô đã tiêm 880.059 liều vắc xin cúm gia cầm, trong đó xã Yên Đồng tiêm được 379.676 liều, huyện Nho Quan tiêm được 423.755 liều, trong đó xã Phú Sơn tiêm được 17.200 liều.

Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: mặc dù các ổ dịch cúm gia cầm type A/H5N6 tại Nho Quan và Yên Mô đã được khống chế nhưng nguy cơ dịch phát tán hoàn toàn có thể xảy ra nếu người dân không duy trì và thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch. Kiểm soát, loại trừ virus, các hộ chăn nuôi cần áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Hiện nay, tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí tiêm phòng cúm gia cầm cho đàn vịt, nhưng các hộ chăn nuôi gà vẫn phải có ý thức chủ động tự bỏ kinh phí tiêm phòng để bảo vệ sản xuất; thường xuyên vệ sinh tiêu độc, phun khử trùng chuồng trại.

Như vậy, có thể thấy rằng, các địa phương đều chủ động và tích cực trong công tác ngăn chặn dịch bệnh, khoanh vùng kịp thời, đồng thời, có những chính sách biện pháp khuyến khích người chăn nuôi chủ động tái đàn trong điều kiện đảm bảo an toàn. Hy vọng, với những bước chuyển tích cực thị trường các sản phẩm từ chăn nuôi sẽ sớm ổn định và tạo đà phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong từng địa phương và khu vực.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top