Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 1 năm 2022 | 16:34

Nâng cao chất lượng nông sản, sẵn sàng cung ứng dịp Tết

Những ngày cuối năm, khi không khí Tết đang náo nức, nhộn nhịp cũng là dịp các địa phương đẩy mạnh sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường.

 buoi.jpgMô hình trồng bưởi Diễn tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung thực phẩm Tết

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của huyện Chương Mỹ vào thời kỳ thu hoạch, cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Bị Nguyễn Đức Thoại cho biết: Toàn xã trồng được hơn 50ha cây vụ đông các loại, trong đó có 15ha khoai tây, ngô, bí, rau cải. Hiện, sản phẩm rau, củ, quả của hợp tác xã tiêu thụ tương đối ổn định. Được huyện hỗ trợ giống, các hộ nông dân trên địa bàn rất phấn khởi. Dự kiến, toàn bộ diện tích cây vụ đông sẽ cho thu hoạch từ tháng 1-2022.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Luyện ở thôn Lam Điền (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) cho biết, gia đình ông đang có 2ha bưởi Diễn và bưởi Phúc Trạch, trong đó 150 gốc bưởi Phúc Trạch đã thu hoạch trong tháng 11/2021; 300 gốc bưởi Diễn đang vào vụ thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt khoảng 42.000 quả. Để bảo đảm giá trị sản phẩm trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hộ nông dân trên địa bàn huyện tích cực kết nối tiêu thụ bưởi qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo... và tích cực ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng thông tin, để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực trồng các loại rau màu đúng khung thời vụ; đồng thời, làm tốt khâu chăm sóc, phòng, trừ sinh vật hại để cây trồng đạt năng suất cao; chăm sóc đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

"Ngoài 6 mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, huyện hỗ trợ các hợp tác xã, nông dân về công tác xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ trong và ngoài huyện để quảng bá, giới thiệu nông sản an toàn tới người tiêu dùng”, bà Trần Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt, để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm gạo hữu cơ của Hợp tác xã, từ vụ xuân 2019, đơn vị đã liên kết với Công ty cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Green Path tiêu thụ toàn bộ sản phẩm lúa, gạo cho thành viên. Tuy nhiên, nông dân mong muốn huyện tiếp tục giới thiệu doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để đẩy mạnh khâu này.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, thời gian tới, huyện tiếp tục phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Huyện cũng mở rộng các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói rau quả, thực phẩm nằm trong vùng chuyên canh; hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về chế biến rau, quả. Cùng với đó, ưu tiên xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm trong chuỗi liên kết, bảo hộ nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm lợi thế của địa phương nhằm nâng cao giá trị đặc sản địa phương…

Thanh Hóa: Sản phẩm OCOP sẵn sàng vào vụ Tết

Những ngày cuối năm, khi không khí Tết đang náo nức, nhộn nhịp cũng là dịp các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn đẩy mạnh sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường. Nhiều cơ sở đã thay đổi phương thức sản xuất để không chỉ thích ứng mà còn nỗ lực phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Từ cuối tháng 10 âm lịch, những hộ sản xuất bánh nhãn Hồi Xuân tại thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đã rất tất bật, bởi lẽ, bánh nhãn chính là món quà quê dân dã, gần gũi nhưng thật “hợp” với không khí những ngày cuối năm và dịp tết.

245d3194245t37017l0.jpg
Công nhân Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia (Hoằng Hóa) gia tăng sản xuất sản phẩm OCOP phục vụ thị trường.

 

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của chị Nguyễn Thị Thu Hương, khi 5 lao động đang khẩn trương người ráo bột, người viên, người chiên bánh nhãn. Chị Hương cho biết: Vốn là sản phẩm truyền thống của địa phương nên vào dịp cuối năm, lễ tết nhu cầu của thị trường làm quà biếu và sử dụng tăng cao. Từ khi sản phẩm bánh nhãn Hồi Xuân được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao của tỉnh, các thành viên của tổ hợp tác sản xuất bánh nhãn truyền thống Hồi Xuân đều có nhiều đơn đặt hàng hơn. Đến hết tháng 11 âm lịch, sản lượng bánh nhãn của tổ hợp tác cung ứng cho thị trường khoảng 27 - 28 tấn, cao hơn 1,4 lần so với cùng kỳ. Do đó, các cơ sở phải thuê thêm nhân công, mua sắm máy viên bánh, bếp, chảo chiên công suất lớn. Đồng thời, khuyến khích, động viên lao động làm thêm giờ để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, bảo đảm cung ứng cho thị trường sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp mắt nhất.

Cùng với sản phẩm bánh nhãn truyền thống tại thị trấn Hồi Xuân, trên địa bàn huyện Quan Hóa còn có 2 sản phẩm là măng khô Mường CaDa, chè tán ma Hiền Kiệt đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Những ngày cuối năm, các cơ sở cũng đẩy nhanh tiến độ, nâng cấp bao bì nhãn mác để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hóa, cho biết: Những ngày cận Tết Nguyên đán, nhu cầu của thị trường về các sản phẩm OCOP của huyện tăng cao, không chỉ đơn thuần là sử dụng mà còn làm quà biếu. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm tại các gian trưng bày, triển lãm của tỉnh, UBND huyện còn khuyến khích các chủ thể đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đấu mối với nhà khách Mường CaDa thuộc Công ty TNHH Mường CaDa là điểm dừng chân, giao lưu của các địa phương lân cận làm nơi trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Dự ước, mức tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ tăng từ 15 - 20% trở lên so với cùng kỳ.

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 11 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều sản phẩm đặc trưng là một phần trong sinh hoạt, tín ngưỡng, ngày tết của người dân, như: bưởi Luận Văn, nem nướng, giò lụa... Do đó, những ngày cuối năm cũng là thời gian để các chủ thể đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Những ngày gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần này, vùng sản xuất bưởi Luận Văn, xã Thọ Xương; làng nghề bánh gai Tứ Trụ, xã Thọ Diên... càng trở nên nhộn nhịp khi khách hàng từ mọi miền tìm về để đặt hàng các sản phẩm cung ứng cho thị trường.

Ông Nguyễn Hải Đăng ở thôn 7, xã Thọ Xương, cho biết: Sản phẩm bưởi Luận Văn Hải Đăng của gia đình thuộc Công ty TNHH Nông nghiệp hiện đại Lam Sơn - Sao Vàng được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020, nên luôn được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng. Từ tháng 10, tháng 11 âm lịch, đã có nhiều tư thương tìm về đặt cọc mua bưởi, chờ đến ngày gần tết sẽ cung ứng ra thị trường. Hiện gia đình có hơn 500 gốc bưởi đã hơn chục năm tuổi, dự kiến cung ứng cho thị trường khoảng 10.000 quả.

Theo ông Đăng, bưởi Luận Văn là sản vật nổi tiếng, gần gũi trong mâm ngũ quả nhưng lại có nét truyền thống văn hóa và mùi thơm đặc trưng không một dòng quả nào có được nên được người tiêu dùng săn đón. Do đó, những năm gần đây, giá bưởi ổn định, thường dao động từ 50 đến 100 nghìn đồng/quả tại vườn, nếu chủ vườn chú ý tạo hình tài – lộc, in chữ... giá có thể lên đến 500.000 đồng/quả. Vì vậy doanh thu có thể đạt 600 triệu đồng/ha, nhờ đó, thu nhập của người trồng bưởi ổn định, có điều kiện đầu tư, chuyên sâu phát triển sản phẩm.

Được biết, năm 2021, một số vườn trồng bưởi Luận Văn lâu năm trên địa bàn xã Thọ Xương đã được HTX sản xuất và thương mại Vinaco tại TP Thanh Hóa đặt hàng, thu mua, tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.

Qua trao đổi, chị Nguyễn Thị Vân, giám đốc HTX, cho biết: “Là đơn vị chuyên kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi luôn tìm kiếm, tạo cơ hội tiêu thụ cho các sản phẩm, trong đó có sản phẩm bưởi Luận Văn. Để thuận lợi cho việc tiêu thụ, HTX đã thành lập trang facebook “Bưởi tiến vua Luận Văn” và tăng cường quảng bá trên nền tảng số. Năm nay, HTX đã liên kết, nhận bao tiêu sản phẩm với 3 nhà vườn trên địa bàn, dự kiến cung ứng cho thị trường tại TP Thanh Hóa khoảng 4.000 - 5.000 quả bưởi”.

Tỉnh Thanh Hóa có 158 sản phẩm OCOP, trong đó, có 108 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 9 sản phẩm nhóm đồ uống, còn lại là các sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và thảo dược. Để tạo sức lan tỏa và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, các chủ thể đã tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử, nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn ổn định.

Ngoài ra, với mục tiêu đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và làm tặng phẩm trong dịp lễ, tết, các cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã lựa chọn, đưa sản phẩm OCOP vào các giỏ quà tặng. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh, lan tỏa ra thị trường và góp phần phát triển thương hiệu OCOP tỉnh Thanh Hóa.

Với sự nỗ lực nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã cùng với chiến lược quảng bá phù hợp, các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đã và đang chuẩn bị tốt nhất để đến gần hơn với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.

Hưng Yên: Các làng nghề vào vụ Tết

Thành phố Hưng Yên hiện có 4 làng nghề đã được UBND tỉnh Hưng Yên công nhận và hơn 10 làng có nghề hoạt động hiệu quả, đem lại thu nhập khá cho người lao động. Trong đó, có nhiều sản phẩm của các làng nghề đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, được ưa chuộng vào dịp tết cổ truyền như: Hương thôn Cao (xã Bảo Khê); đồ mộc ở xã Liên Phương; mứt và ô mai ở xã Phương Chiểu; kẹo lạc, kẹo vừng ở xã Hồng Nam…

111.jpg
Nghề làm hương ở thôn Cao (xã Bảo Khê) vào vụ Tết.

 

Ông Cao Cường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, cho biết: Các làng nghề và làng có nghề trên địa bàn thành phố Hưng Yên đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng, đem lại nhiều sản phẩm giá trị, góp phần phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các làng nghề, hộ làm nghề được hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, vay vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Từ tháng 10 âm lịch trở đi, những hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ ở xã Liên Phương vào vụ bận rộn. Vừa nhanh tay đánh bóng bộ bàn ghế mới, anh Vũ Văn Đôi, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ tại xã cho biết: Gia đình anh gắn bó với nghề mộc đã hơn 10 năm. Hiện, cơ sở có hơn 10 lao động, chuyên sản xuất, gia công, kinh doanh các sản phẩm đồ gia dụng, nội thất… theo nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Thời điểm trước tết, sản phẩm đồ gỗ của gia đình anh xuất bán ra thị trường tăng 40 – 50%.

Năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các sản phẩm đồ gỗ của gia đình anh Đôi cũng như nhiều hộ khác trong xã vẫn được tiêu thụ ổn định nhờ giá cả hợp lý, mẫu mã hợp thị hiếu. Những hộ làm nghề trong xã đang tập trung nhân lực để hoàn thiện các sản phẩm phục vụ thị trường tết như: Cửa, bàn ghế, đồ thờ, đồ trang trí bằng gỗ…  Toàn xã có hơn 20 hộ kinh doanh, gia công đồ gỗ với trên 30 xưởng, cửa hàng. Thời điểm giáp tết, 100% số cơ sở sản xuất phải thuê thêm thợ và động viên người lao động làm thêm giờ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ghé thăm làng nghề làm hương ở thôn Cao, xã Bảo Khê, một làng nghề làm hương truyền thống lâu đời của thành phố. Ngay khi bước đến đầu làng, mùi thơm dễ chịu đậm hương vị ngày tết của thảo mộc, phối trộn từ nhiều vị thuốc bắc đã khiến ai nấy xuýt xoa. Ông Tạ Quang Ký, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn phấn khởi cho biết: Hiện nay làng nghề duy trì 180 hộ sản xuất hương. Những ngày giáp tết, hộ ít cũng sản xuất 10 vạn nén hương/ngày, hộ sản xuất nhiều thì tới 30 vạn nén/ngày. Hộ nào cũng trang bị máy móc để sản xuất như: Máy nghiền nguyên liệu, trộn nguyên liệu, làm hương vòng, làm hương nén… Người lao động thời vụ cũng có thu nhập 200 – 300 nghìn đồng/ngày.

Trên khắp các nẻo đường vào làng, đâu đâu cũng thấy những dàn hương vòng, hương nén… đang được phơi nắng. Không khí làng hương vào những ngày chuẩn bị vụ tết thật hối hả. Bà Hoàng Thị Xinh đã hơn 20 năm làm hương, đứng trước chiếc máy nhỏ, tay bà cứ thoăn thoắt, thoăn thoắt không ngơi nghỉ, những nén hương thành phẩm nhanh chóng đầy khay với tăm màu đỏ, sắc hương nâu trầm, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Bà Xinh chia sẻ: Vào mùa này, hương sản xuất ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Năm nay lại được thời tiết ủng hộ, mẻ hương nào cũng được nắng, chất lượng hương thành phẩm rất tốt. Việc xuất bán ngoại tỉnh cũng thuận lợi, gia đình tôi ai cũng phấn khởi trước cái tết đủ đầy, ấm no.

Đặc biệt, trong dịp Tết năm nay, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm hương truyền thống tới bạn bè, du khách gần xa, thành phố Hưng Yên đã quan tâm thiết kế riêng hộp quà xuân từ các sản phẩm hương thuốc Bắc của thôn Cao, mỗi hộp quà trị giá khoảng 300 nghìn đồng. Càng gần tết, các hộ làm nghề trên địa bàn thành phố dường như càng hối hả hơn. Những sản phẩm đồ gỗ bóng bẩy, những hộp mứt, gói kẹo thơm ngon, hay những nén hương thơm hướng về tổ tiên nguồn cội… Với họ, ngoài việc tập trung sản xuất thật tốt phục vụ những đơn hàng lớn trong dịp tết cổ truyền của dân tộc cũng đồng nghĩa với việc có thêm thu nhập để đón mùa xuân mới ấm no, đủ đầy./.

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top