Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 4 năm 2021 | 14:29

Tin NN ĐBSH: Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp và các sản phẩm OCOP

Các hợp tác xã đã đóng góp rất lớn trong xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn... Nhờ đó đời sống cư dân được nâng lên với thu nhập ngày càng cao hơn và tạo nên nhiều sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận.

cham-soc-lon-tai-hop-tac-xa.jpg
Chăm sóc lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai).

 

Hà Nội: Nâng cao vai trò hợp tác xã trong xây dựng NTM

Bằng nhiều hoạt động đa dạng, liên kết sản xuất, xây dựng những mô hình chất lượng cao, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế hộ gia đình, địa phương... những năm qua, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới.

Tại huyện Ba Vì, Hợp tác xã Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (xã Vân Hòa) là đơn vị hoạt động hiệu quả, có những đóng góp thiết thực trong nâng cao đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Giám đốc Hợp tác xã Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì Tạ Việt Hùng cho biết, hợp tác xã thành lập từ năm 2016, đến nay có 15 thành viên, vốn điều lệ khoảng 20 tỷ đồng, nuôi hơn 200 con bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 800 nghìn lít sữa, trong đó có khoảng 1,2 triệu lít sữa thành phẩm. Nhờ liên kết sản xuất, đời sống của thành viên hợp tác xã và nhiều lao động trong khu vực được cải thiện...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết, ngoài hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, các hợp tác xã trên địa bàn huyện còn luôn đồng hành, tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang...

Thực tế, những năm qua, các hợp tác xã phát huy mạnh mẽ vai trò trong phát triển kinh tế địa phương, đóng góp rất lớn vào chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Theo Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN& PTNT Hà Nội), đến nay, toàn thành phố có 1.253 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 1.096 hợp tác xã đang hoạt động, 154 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tính riêng trong năm 2020, các hợp tác xã đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động trong xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nông thôn...

Khẳng định vai trò quan trọng của hợp tác xã nhưng theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, một số hợp tác xã vẫn chưa phát huy được thế mạnh, tiềm năng... Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của một bộ phận cán bộ và người dân chưa đầy đủ; nguồn vốn hoạt động ít...

Để tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, ông Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng các sở, ngành, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức sản xuất phù hợp; đồng thời, tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, sẽ thực hiện giải thể, chuyển đổi các hợp tác xã ngừng hoạt động; giảm số hợp tác xã hoạt động trung bình hoặc yếu; khuyến khích thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên ngành, doanh nghiệp trong hợp tác xã. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã về quỹ đất để xây dựng trụ sở làm việc, khu sơ chế, chế biến sản phẩm sau thu hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể, hợp tác xã...

Cũng theo ông Tạ Văn Tường, Hà Nội phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 70 hợp tác xã trở lên; hỗ trợ từ 50 hợp tác xã trở lên. Hằng năm, Hà Nội tiếp tục tổ chức diễn đàn về kinh tế hợp tác, hợp tác xã; triển lãm, trưng bày, giới thiệu thành tựu về kinh tế hợp tác và sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nhân rộng mô hình hay; tăng cường hợp tác, kết nối thị trường, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia trong nước, quốc tế, các hợp tác xã hoạt động hiệu quả...

Ninh Bình: Vườn mẫu “hái ra tiền” ở Khánh Thành

Xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp. Phát huy thế mạnh này, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM kiểu mẫu, xã đã đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình vườn mẫu ứng dụng các tiến bộ về giống, kỹ thuật canh tác, đồng thời đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Qua đó, không chỉ tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn, mà còn nâng cao thu nhập cho nhân dân.

 

hieu-qua-tu-mo-hinh-vuon-mau-o-khanh-thanh-335ad.jpg
Trang trại trồng bí tại xã Khánh Thành (Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn

 

Về Khánh Thành hôm nay, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi màu xanh mướt mắt của những nhà vườn nối tiếp nhau. Ngay cả hàng rào giờ cũng là nơi "hái ra tiền" bởi bà con đã sáng tạo trồng các loại cây leo như mướp đắng, mướp ngọt, gấc, hoa thiên lý… trên đó, vừa xanh tươi vừa có sản phẩm để thu hoạch.

Vườn nhà ông Hoàng Văn Hà ở xóm 9 là một trong những khu vườn mẫu đầu tiên của xã. Trên diện tích 6 sào ông Hà đã quy hoạch hơn 4  sào để trồng ổi, 1 sào đào ao thả cá, phần còn lại thì quây hàng rào để trồng rau xanh, chăn nuôi. Ngoài ra, hai bên lối đi từ cổng vào đến sân nhà ông làm giàn mướp cao khoảng 3m, rộng 2,5m đủ để xe tải vào trong vườn mua thực phẩm.

Theo ông Hà, khi chưa cải tạo vườn tạp, mảnh vườn chỉ trồng vài loại cây phục vụ nhu cầu của gia đình như chuối, bưởi, nhãn. Không đầu tư công sức chăm sóc, không đưa giống cây trồng mới vào trồng nên hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Đầu năm 2016, khi có chủ trương của xã về cải tạo vườn tạp, ông đã mạnh dạn phá bỏ các cây trồng cũ để chuyển sang trồng ổi.

Được Sở Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ cung cấp nguồn giống ổi lê Đài Loan chất lượng, yếu tố thổ nhưỡng phù hợp cộng thêm được chăm sóc bài bản nên vườn ổi của gia đình phát triển nhanh, bước đầu cho hiệu quả tốt. Năm 2019 thực hiện chương trình xây dựng vườn mẫu, gia đình lại tiếp tục được cải tạo, quy hoạch lại khu vườn một cách bài bản hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc và đi lại, tận dụng tốt khoảng không, ánh sáng.

Nhờ vậy mà năng suất cây trồng tăng lên rất nhiều. Vợ chồng ông Hà tính toán: Trung bình một cây ổi cho thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/năm tùy vào giá cả thị trường. Như vậy, với 130 gốc ổi, gia đình sẽ có khoản thu nhập 130- 180 triệu đồng/năm. Ngoài ra các khoản thu từ ao cá và rau màu khác quanh vườn cũng phụ thêm vào các chi tiêu lặt vặt.

Được biết, Khánh Thành triển khai xây dựng vườn mẫu vào năm 2019. Ban đầu xã chọn một số hộ gia đình có diện tích vườn phù hợp để triển khai thí điểm, cử cán bộ phụ trách đến hướng dẫn, bắt tay cùng làm với nhân dân. Ngoài nguồn hỗ trợ 10 triệu đồng/1 mô hình của huyện Yên Khánh, xã tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các giống cây trồng mới, chất lượng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; vận động nhân dân cải tạo một cách khoa học với hệ thống bơm tưới nước tự động, hàng rào cây xanh, quy hoạch các cây trồng chủ lực, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Ngoài ra, xã còn chủ động liên kết với các đơn vị, tổ chức để xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản địa phương, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm cho bà con. Sau hơn 2 năm triển khai hiện nay toàn xã có 62 vườn mẫu, chủ yếu trồng cây ăn quả, rau, củ quả các loại. Do ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên năng suất, giá trị nông sản ngày được nâng cao. Trung bình mỗi vườn cho thu nhập từ 60 đến 300 triệu đồng/năm. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao vườn mẫu còn góp phần tạo diện mạo mới cho cảnh quan nông thôn nơi đây.

Ông Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ban hành kế hoạch cải tạo vườn, tăng cường nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình đăng ký làm vườn mẫu. Toàn xã phấn đấu đến cuối năm 2021 này sẽ có thêm 20 vườn mẫu nữa. Qua đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế làm giàu cho nông dân, từng bước xây dựng NTM ngày một bền vững.

Bắc Ninh: 81 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2021

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 344/QĐ- UBND phê duyệt danh mục các sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Ninh năm 2021.

 

11.jpg
Sản phẩm trà Măng tây xanh của Công ty TNHH - XNK Tuấn Chang (huyện Lương Tài) là một trong các sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2021.

Theo đó, 81 sản phẩm được phê duyệt tham gia Chương trình OCOP năm 2021 thuộc các lĩnh vực: nông sản, thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, đồ trang trí… Trong đó, huyện Thuận Thành tham gia nhiều nhất với 25 sản phẩm; thành phố Bắc Ninh 15 sản phẩm; huyện Gia Bình14 sản phẩm; huyện Lương Tài 9 sản phẩm; huyện Tiên Du 7 sản phẩm; huyện Quế Võ 6 sản phẩm và thị xã Từ Sơn 5 sản phẩm.

Qua đánh giá, phân hạng, năm 2020, toàn tỉnh có 33 sản phẩm của 15 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt Chương trình OCOP (bao gồm 03 sản phẩm đạt 3 sao và 30 sản phẩm đạt 4 sao). Các sản phẩm đạt OCOP được cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao được in trên bao bì sản phẩm theo quy định.

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top